Thống kê truy cập
  • Đang truy cập:
  • Hôm nay:
  • Tháng hiện tại:
  • Tổng truy cập:

HỘI THẢO GIỚI THIỆU MÔ HÌNH ỨNG DỤNG CÁC BIỆN PHÁP KỸ THUẬT NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN XUẤT CHÈ, MÔ HÌNH LIÊN KẾT SẢN XUẤT CHÈ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Thứ năm, 23/11/2023, 14:59 GMT+7

HỘI THẢO GIỚI THIỆU MÔ HÌNH ỨNG DỤNG CÁC BIỆN PHÁP KỸ THUẬT NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN XUẤT CHÈ, MÔ HÌNH LIÊN KẾT SẢN XUẤT CHÈ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

 

Ngày 3/11/2023, tại xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc tổ chức Hội thảo giới thiệu mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nâng cao giá trị sản xuất chè, mô hình liên kết sản xuất chè trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thuộc nội dung của đề tài “Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất chè xanh tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc”, mã số: ĐTĐL.CN-23/20. Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS Nguyễn Văn Toàn

Dự hội thảo về phía tỉnh Tuyên Quang: Đ/c Ngô Tuấn Dũng – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Đ/c Phạm Thị Lành – Trưởng phòng Kế hoạch và quản lý khoa học, chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ; Đ/c Trần Hải Tuyên – Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và BVTV; Đ/c Vũ Đức Tráng – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chè núi Kia tăng; Đại diện lãnh đạo UBND và 40 hộ nông dân sản xuất chè ở các xã: Hồng Thái, Sinh Long, Sơn Phú, Thượng Nông, Thượng Giáp, Khâu Tinh,…

Về phía Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc: TS. Nguyễn Ngọc Bình – Phó Viện trưởng, PGS. TS Nguyễn Văn Toàn – Chủ nhiệm đề tài, các cán bộ nghiên cứu khoa học của Viện.

Hội thảo với mục đích giới thiệu kết quả nghiên cứu của đề tài về các giống chè mới, quy trình công nghệ sản xuất nguyên liệu, công nghệ chế biến chè xanh Đặc sản và mô hình liên kết chuỗi giá trị chè xanh Đặc sản từ các giống chè mới VN15, PH14. Từ tháng 8/2020 – 1/2024, Viện đã phối hợp với Công ty cổ phần chè núi Kia tăng tổ chức thực hiện các nội dung của nhiệm vụ tại xã Hồng Thái, huyện Na Hang gồm trồng mới 5ha giống chè VN15, PH14; nghiên cứu quy trình sản xuất nguyên liệu và quy trình chế biến chè xanh Đặc sản và xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị 10 ha. Sau hơn 3 năm triển khai các mô hình trồng mới, thâm canh cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng ổn định; giá bán nguyên liệu búp tươi tăng trên 20% so với sản xuất đại trà.

Hiện nay, toàn bộ nguyên liệu chè búp tươi của các hộ tham gia mô hình được Công ty cổ phần chè núi Kia tăng tại xã Hồng Thái, huyện Na Hang thu mua với giá ổn định lâu dài. Sản phẩm chè của Công ty gồm chè xanh Đặc sản, chè xanh thơm, … được chế biến từ các giống chè mới VN15, PH14 có giá bán cao hơn 200% so với các sản phẩm chè cùng loại được chế biến từ các giống chè đại trà, nguyên liệu sản xuất ra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mối liên kết giữa người dân với Công ty trong sản xuất, tiêu thụ chè được ổn định và bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang, các xã, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc và các hộ tham gia mô hình chuỗi liên kết giá trị chè đều khẳng định: mô hình sản xuất chè theo chuỗi liên kết có giá bán nguyên liệu tăng, lợi nhuận thu được cao hơn so với sản xuất chè đại trà. Đồng thời, giúp bà con vùng làm chè tiếp cận tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Qua đó, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững tại địa phương xã Hồng Thái nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung, phù hợp với định hướng phát triển ngành chè trong thời gian tới.

Dưới đây là một số hình ảnh của buổi Hội thảo

anh_1

 

Ông Ngô Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Tuyên Quang, phát biểu tại Hội thảo

 

 

anh_2

TS. Nguyễn Ngọc Bình – Phó Viện trưởng, Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, phát biểu tại Hội thảo

anh_3

anh_4

Toàn cảnh Hội thảo tại xã Hồng Thái, huyện Na Hang

anh_6
anh7
anh_8
anh_9

Các đại biểu thăm quan và thảo luận tại mô hình chuỗi liên kết giá trị chè