Thống kê truy cập
  • Đang truy cập:
  • Hôm nay:
  • Tháng hiện tại:
  • Tổng truy cập:

Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang làm việc với Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc

Thứ tư, 13/03/2024, 16:23 GMT+7

Thực hiện chương trình công tác ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngày 13 tháng 3 năm 2024, đồng chí Bùi Văn Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã có buổi làm việc tại Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc.

Cùng tham gia đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, Văn phòng UBND tỉnh, UBND thị xã Phú Thọ.

Mở đầu buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Quang đã có những chia sẻ về các nội dung quan tâm của Tỉnh trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Theo ý kiến đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay, Quy hoạch phát triển tỉnh Phú Thọ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với định hướng liên quan lĩnh vực nông lâm nghiệp, Phú Thọ được xác định là tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, lấy phát triển nông nghiệp làm chủ đạo. Trong quy hoạch phát triển đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, một số lĩnh vực nông nghiệp ưu tiên của Tỉnh đang được tập trung với bốn đối tượng cây trồng chính là chè, cây ăn quả (cây bưởi, chuối, hồng,…), cây lương thực. Tuy nhiên, chủ trương quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của Tỉnh là cơ bản ổn định diện tích đất sản xuất nông nghiệp, dịch chuyển từ việc thay đổi sản xuất nông nghiệp thuần túy sang nâng cao giá trị sản phẩm, tăng chất lượng và hướng đến sản xuất hàng hóa tập trung, hình thành các chuỗi liên kết.

Trên cơ sở các ý kiến gợi mở của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ với 04 vấn đề chính gồm: Viện cần tiếp tục thăm góp với tỉnh về cơ chế, chính sách, ứng dụng KH&CN nông lâm nghiệp; tham gia đóng góp với Tỉnh để hoàn thành các mục tiêu quy hoạch đã được phê duyệt, đặc biệt là 04 nhóm đối tượng cây trồng chủ lực; tiếp tục phát huy các kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, phát huy dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp; đẩy mạnh chuyển giao kết quả nghiên cứu về công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch, dịch vụ nông nghiệp, du lịch trải nghiệm;… Lãnh đạo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc và đơn vị trực thuộc đã tiếp thu và hứa sẵn sàng triển khai toàn diện các nội dung liên quan đến các vấn đề đã nêu.

Tại buổi làm việc, qua ý kiến phát biểu thêm về kết quả thực hiện, thực trạng, khó khăn đối với phát triển sản xuất một số đối tượng nông lâm nghiệp từ đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, ý kiến chỉ đạo từ đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải, cùng với các giải đáp của Viện, đồng chí Chủ tịch Bùi Văn Quang có một số kết luận quan trọng. Cụ thể: (i) Tỉnh Phú Thọ đánh giá cao các kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của Viện trong thời gian qua trên địa bàn các tỉnh trung du miền núi phía Bắc nói chung và Phú Thọ nói riêng, thể hiện được vai trò của cơ quan nghiên cứu trung ương đóng quân trên địa bàn; (ii) Trong thời gian tới, tập thể Lãnh đạo Viện và cán bộ công nhân viên cần tiếp tục nỗ lực, phát huy những tiềm năng sẵn có (về con người, cơ sở vật chất, trí tuệ tập thể) để giúp thêm cho tỉnh Phú Thọ nhiều nội dung quan trọng, trong đó tập trung cho công tác xây dựng được các điểm mô hình trình diễn về chuyển giao giống cây trồng mới, quy trình công nghệ, liên kết sản xuất,… (trước mắt ưu tiên cho bốn đối tượng cây trồng chính mà Tỉnh đã đưa vào quy hoạch đến năm 2030); (iii) tăng cường các hoạt động tư vấn, khuyến nghị về việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng quy hoạch vùng sản xuất cho phù hợp với từng vùng sinh thái đặc thù mỗi đối tượng cây trồng (như huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Thanh Ba cho cây chè; huyện Đoan Hùng, Hạ Hòa cho cây bưởi; các vùng bãi ven sông huyện Tam Nông, TX. Phú Thọ, Cẩm Khê cho cây chuối,…); (iv) tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên môn của tỉnh trong hoàn thiện quy trình sản xuất, chuyển giao quy trình mới, bao gồm các đối tượng có giá trị cao, đặc hữu (chè búp tím Thanh Ba, chuối phấn vàng Thanh Sơn, chè shan cổ thụ Tân Sơn,…); (v) đề xuất, xây dựng các mô hình liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã, quy mô tổ hợp tác hoặc trực tiếp hộ nông dân có trình độ canh tác tiên tiến để hình thành các mô hình sản xuất có chất lượng, tạo lập “thương hiệu” riêng cho sản phẩm nông nghiệp Phú Thọ, ưu tiên với cây chè, cây bưởi; (vi) đẩy mạnh hoạt động đưa kết quả nghiên cứu ra sản xuất, hình thành vùng sản xuất dịch vụ.