Thống kê truy cập
  • Đang truy cập:
  • Hôm nay:
  • Tháng hiện tại:
  • Tổng truy cập:

Thư ngỏ của Chủ tịch Hiệp hội

Thứ ba, 27/08/2024, 10:35 GMT+7

Thư ngỏ của Chủ tịch Hiệp hội

06/08/2024
 

  Kính gửi các Hội viên Hiệp hội Chè Việt Nam, các bạn đồng nghiệp, cùng toàn thể những người yêu trà, dùng trà trên cả nước.

          Lịch sử của trà kéo dài hơn 5000 năm, và những đóng góp của trà đối với sức khỏe, văn hóa và phát triển kinh tế xã hội, môi trường vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay. Cây chè hiện được trồng ở hơn 35 quốc gia và hỗ trợ hàng chục triệu người, bao gồm cả nông dân sản xuất nhỏ và hộ gia đình, những người phụ thuộc vào ngành chè để sinh sống.

          Việt Nam là quốc gia trồng chè, và là một trong 5 quốc gia nằm trong vùng nguyên sản của cây chè thế giới ngày nay. Hiện nay cả nước có trên 30 tỉnh thành trồng chè với gần 130.000 ha chè công nghiệp và hàng chục ngàn ha chè vườn dùng làm chè tươi để uống. Đặc biệt, Việt Nam của chúng ta còn được sở hữu và lưu giữ gần 20 ngàn ha chè shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại các tỉnh miền núi phía bắc. Đây được coi là di sản vô cùng quý giá của ngành chè và của quốc gia. Xuất khẩu hàng năm từ 130-140 ngàn tấn, tiêu dùng trong nước khoảng 50 ngàn tấn.

          Ngành chè thu hút hàng triệu lao động chủ yếu là phụ nữ và tập trung vùng trung du, miền núi và đồng bào các dân tộc thiểu số. Cây chè đã góp phần to lớn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và ổn định kinh tế, xã hội của nhiều địa phương và trở thành cây công nghiệp chủ lực của ngành nông nghiệp.

          Trồng chè cũng đã góp phần không nhỏ vào chống biến đổi khí hậu, chống xói mòn, hấp thụ carbonic.Trong quá trình dài, sản xuất chè, dùng chè (hay trà) đã đi vào đời sống thường ngày và trở thành nét văn hóa của người việt. Ngày nay trong thế giới hiện đại, vị trí của trà càng được tôn vinh trong mọi hoạt động của con người; Trà là đồ uống đứng thứ 2 sau nước lọc; ngoài công dụng là giải khát, trà còn là loại đồ uống có lợi cho sức khỏe do trà chứa nhiều thành phần  giúp tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa một số bệnh; Trà tham gia làm đẹp cho con người, đặc biệt là phái nữ.

          Sản xuất trà, chế biến trà, pha chế trà và thưởng trà ở mỗi khâu, mỗi nhịp đều đạt đến chân nghệ thuật; Trà còn tham gia tích cực trong đời sống tâm linh; du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm tại các địa phương có cây chè ...

          Chè (hay trà) là đa gía trị: Kinh tế, môi trường, văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật, y dược và tâm linh...Với ý nghĩa đó, mỗi chúng ta hãy cùng nhau chung tay giữ gìn và vun đắp  để đưa giá trị của chè (trà) tiệm cận giá trị đích thực của nó và góp phần xây dựng ngành chè Việt Nam phát triển bền vững.

          Hiệp hội Chè Việt Nam xin gửi đến các doanh nghiệp hội viên, cộng đồng những người làm chè, kinh doanh chè và tiêu dùng chè lời chúc sức khỏe và lời chào trân trọng nhất.

Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam

Ông Hoàng Vĩnh Long