Thống kê truy cập
  • Đang truy cập:
  • Hôm nay:
  • Tháng hiện tại:
  • Tổng truy cập:

Thâm canh cây chè theo hướng hữu cơ

Thứ hai, 21/11/2022, 17:52 GMT+7

Thâm canh cây chè theo hướng hữu cơ

Với mục tiêu thay đổi nhận thức của nông dân trong việc trồng chè theo hướng hữu cơ, tháng 5/2021, Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thực hiện thí điểm mô hình “Thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc” tại bản Phiêng Tâm (xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên). Sau hơn 1 năm thực hiện, mô hình đã từng bước thay đổi nhận thức của người trồng chè, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người tiêu dùng và nâng cao chất lượng sản phẩm chè.

Mường Khoa là một trong những xã của huyện Tân Uyên có tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu phù hợp với phát triển cây chè. Đảng bộ xã Mường Khoa xác định chè là cây trồng chủ lực để tạo ra bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, công nghiệp chế biến. Đặc biệt, xã xác định đầu tư thâm canh tăng năng suất đi đôi với nâng cao chất lượng sản phẩm chè nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường.
Vì vậy, khi Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc triển khai mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ, 35 hộ dân trồng chè ở bản Phiêng Tâm đăng ký tham gia thực hiện trên diện tích 8ha chè. Để cây chè phát triển theo hướng hữu cơ đảm bảo đúng chỉ tiêu đề ra, các hộ được Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc hỗ trợ phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Ngoài ra, tập huấn kỹ thuật chăm sóc chè và hỗ trợ đánh giá cấp chứng chỉ xác nhận vùng sản xuất đang trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Từ đó, làm tiền đề cấp chứng nhận sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc thăm mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ của bà con bản Phiêng Tâm (xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên).

Cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc thăm mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ của bà con bản Phiêng Tâm (xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên).

Anh Nguyễn Khắc Quý - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè (Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc) cho biết: Trước thực trạng người trồng chè sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bữa bãi để kích thích mầm chè và thu hái không theo quy trình, không đảm bảo thời gian quy định, khiến môi trường bị ô nhiễm, sản phẩm chè tồn dư nhiều chất độc hại. Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc xây dựng mô hình thí điểm sản xuất chè theo hướng hữu cơ ở 4 tỉnh gồm: Lai Châu, Hà Giang, Nghệ An và Tuyên Quang trong 3 năm (2021-2023).

Trong đó, tại Lai Châu được thực hiện ở xã Mường Khoa. Việc sản xuất chè hữu cơ sẽ mang lại những hiệu quả, lợi ích thiết thực cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Bởi khi sản xuất chè hữu cơ, nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình từ khâu chăm sóc, bón phân, thu hái đến sao, sấy và không sử dụng các chất hóa học. Người trồng chè hữu cơ chỉ sử dụng các chất thải tự nhiên (phân ủ hoai mục) và dùng các phương pháp tự nhiên để kiểm soát sâu bệnh và cỏ dại (bắt sâu bằng tay, cắt cỏ)...
Với những yêu cầu khắt khe khi trồng chè theo hướng hữu cơ, song được sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành địa phương; đặc biệt sự chỉ đạo sát sao của cán bộ kỹ thuật Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật động viên, hướng dẫn các hộ tham gia mô hình kiên trì thực hiện theo đúng quy trình sản xuất chè hữu cơ. Đến nay, năng suất chè đã dần phục hồi và tăng trưởng, chè có hương thơm, vị đậm, môi trường sinh thái được cải thiện.
Gia đình ông Lò Văn Bun (bản Phiêng Tâm) là một trong những hộ tiên phong tham gia mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ đầu tiên của bản với 5.000m2. Trước khi tham gia mô hình, gia đình ông Bun đều sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để để phun phòng, trừ sâu bệnh trên cây chè. Nhưng từ khi tham gia mô hình, ông Bun đã ý thức được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học bữa bãi không chỉ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe khi cây chè còn tồn dư nhiều chất độc hại.
Ông Bun tâm sự: “Mới đầu tham gia mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ, gia đình tôi rất lo lắng, bởi năng suất chè giảm, nguồn thu của gia đình cũng vì thế mà giảm sút. Nhưng bù lại trồng chè theo hướng sạch, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng nên gia đình tôi lại cố gắng. Đến nay, cây chè bắt đầu hồi phục và đem lại hiệu quả kinh tế hơn. Không chỉ có vậy, sản xuất chè theo hướng hữu cơ đã giúp thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con theo hướng sản xuất hàng hóa an toàn, bền vững. Hiện giờ, gia đình tôi rất phấn khởi, quyết tâm sản xuất chè theo hướng này”.
Sau hơn 1 năm triển khai mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ, cây chè hiện đang sinh trưởng tốt, cho năng suất và chất lượng ổn định. Hiện, năng suất chè búp tươi bình quân của các thành viên trong tổ hợp tác đạt 70 tạ/ha/năm, sản lượng đạt khoảng 56 tấn, giá bán chè búp tươi hữu cơ từ 9 - 10 nghìn đồng/kg, cao hơn từ 35 - 40% so với sản xuất chè truyền thống. Toàn bộ nguyên liệu chè búp tươi của các hộ tham gia mô hình được Hợp tác xã Phúc Khoa (xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên) và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại trà Thăng Long (Hà Nội) thu mua với giá ổn định lâu dài. Thời gian tới, Hợp tác xã Phúc Khoa cùng các thành viên tham gia mô hình tiếp tục từng bước xây dựng thương hiệu chè hữu cơ, hướng tới được cấp mã số vùng trồng và đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ trong năm 2023.
Từ mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ tại bản Phiêng Tâm đã từng bước thay đổi nhận thức của bà con trong việc sản xuất chè sạch và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Từ đó, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và thu nhập người nông dân; đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe sức khỏe người tiêu dùng.

 

Nguồn : https://baolaichau.vn/