Thống kê truy cập
  • Đang truy cập:
  • Hôm nay:
  • Tháng hiện tại:
  • Tổng truy cập:

Hội thảo đầu bờ mô hình thâm canh cây chè theo hướng hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc

Thứ bảy, 30/09/2023, 07:59 GMT+7

Hội thảo đầu bờ mô hình thâm canh cây chè theo hướng hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc

Thứ sáu, 29/09/2023 - 17:46'

(BLC) - Ngày 29/9, tại xã Mường Khoa (huyện Tân Uyên), Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức Hội thảo mô hình thâm canh cây chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc.

Dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Khắc Quý - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển chè (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc); lãnh đạo, chuyên viên Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Uyên; đại diện lãnh đạo UBND và 40 hộ nông dân sản xuất chè ở các xã: Mường Khoa, Pắc Ta, Trung Đồng (huyện Tân Uyên).

Với mục tiêu thay đổi nhận thức của nông dân trong việc trồng chè theo hướng hữu cơ, tháng 5/2021 Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện thí điểm mô hình "Thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc" tại bản Phiêng Tâm (xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên).
Tham gia mô hình có 35 hộ thực hiện trên diện tích 8ha. Để cây chè phát triển theo hướng hữu cơ đảm bảo đúng chỉ tiêu đề ra, các hộ dân được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc hỗ trợ phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo mộc. Ngoài ra, tập huấn kĩ thuật cách chăm sóc chè; hỗ trợ đánh giá cấp chứng chỉ xác nhận vùng sản xuất đang trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đầu bờ mô hình thâm canh cây chè theo hướng hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đầu bờ mô hình thâm canh cây chè theo hướng hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc.

Sau hơn 2 năm triển khai mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ, cây chè sinh trưởng tốt, cho năng suất và chất lượng ổn định. Giá bán tăng hơn 27% so với chè sản xuất đại trà. Đặc biệt, sản phẩm chè được trồng thâm canh theo hướng hữu cơ đều đạt tiêu chuẩn nội tiêu và xuất khẩu. Bởi các mẫu chè khô trong mô hình sau khi chế biến mang đi phân tích không phát hiện các chất như: Asen, thủy ngân…

Hiện nay, toàn bộ nguyên liệu chè búp tươi của các hộ tham gia mô hình được Hợp tác xã Phúc Khoa (xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên) thu mua với giá ổn định lâu dài. Cùng với đó, hợp tác xã đã mở rộng liên kết trên 220 hộ dân, với diện tích khoảng 300ha, trong đó có 125ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn RA, 5ha theo mô hình hữu cơ. Sản phẩm chè của hợp tác xã gồm: chè xanh và chè đen… Mối liên kết giữa người dân với hợp tác xã trong sản xuất, tiêu thụ chè được ổn định và bền vững.

Các đại biểu tham quan mô hình chè hữu cơ.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng chè theo hướng hữu cơ.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các cơ quan chuyên môn huyện Tân Uyên và các hộ tham gia mô hình trồng chè theo hướng hữu cơ khẳng định: mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ có giá bán nguyên liệu tăng, lợi nhuận thu được cao hơn so với sản xuất chè đại trà. Đồng thời, giúp bà con vùng làm chè tiếp cận tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Qua đó, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững, phù hợp với định hướng phát triển ngành chè trong thời gian tới.

 

Ánh Hồng