Thống kê truy cập
  • Đang truy cập:
  • Hôm nay:
  • Tháng hiện tại:
  • Tổng truy cập:

[Bảo tồn, nâng cao giá trị chè Shan tuyết Hà Giang] Quần thể Cây Di sản nơi đại ngàn (Bài 1)

Thứ hai, 10/04/2023, 08:59 GMT+7

Trong những năm qua, cây chè đã được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh Hà Giang và đã đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc bảo tồn và phát triển bền vững cây chè Shan tuyết cổ thụ (Cây Di sản Việt Nam) là nhiệm vụ cấp thiết của tỉnh Hà Giang.

Hiện nay, diện tích chè toàn tỉnh Hà Giang đạt 20.296 ha, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt 90.000 tấn. Trong đó có trên 7.000 ha là diện tích chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, được các nhà khoa học đánh giá là một trong những thủy tổ của cây chè, mang nhiều nguồn gen quý hiếm. Cây chè Shan tuyết được phân bố ở 11/11 huyện, thành phố trong tỉnh, trong đó 5 huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Xín Mần có diện tích lớn nhất. Đến nay, tỉnh Hà Giang có 2 quần thể chè Shan tuyết cổ thụ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận Cây Di sản Việt Nam với trên 1.600 cây. Việc bảo tồn và phát triển bền vững cây chè Shan tuyết cổ thụ là nhiệm vụ cấp thiết của tỉnh Hà Giang.

Theo đánh giá của các chuyên gia, cây chè Shan tuyết ở Hà Giang là loại chè sạch, được trồng ở độ cao từ 800 m trở lên so với mực nước biển, nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm. Đây là môi trường sinh trưởng tự nhiên, sạch và hoàn toàn không có tác nhân chăm sóc, tạo ra nguồn nguyên liệu tuyệt vời và quý hiếm cho những ấm chè đặc sản. Giống chè Shan tuyết Hà Giang chủ yếu là 2 giống Shan tuyết lá to và Shan tuyết lá nhỏ (chè Shan lá nhỏ chỉ có diện tích khoảng trên 250 ha tập trung tại huyện Đồng Văn); đây thường là những cây chè cổ thụ có tuổi đời vài chục năm hay đến vài trăm năm và được đánh giá là một trong những thủy tổ của cây chè, mang nhiều nguồn gen quý hiếm. Năng suất chè Shan tuyết của tỉnh Hà Giang bình quân giai đoạn 2013 – 2020 đạt khoảng 35,24 tạ/ha; sản lượng bình quân gần 65.000 tấn, sản lượng chè đã qua chế biến trên 10.000 tấn.

Từ Hà Nội vượt khoảng 300km với những cung đường đèo, cua, uốn lượn, chúng tôi tìm về với mảnh đất Hà Giang, tìm về “đại bản doanh” của quần thể Chè Shan tuyết cổ thụ để ngắm nhìn, để thả hồn và tận hưởng hương vị nguyên bản của chè Shan tuyết chính hiệu tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Xín Mần. Nơi đây, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, cảnh vật nên thơ cùng núi non trùng điệp, hùng vĩ tô điểm cho bức tranh thủy mặc hấp dẫn lòng người.

Trời đêm, đường đèo dốc, quanh co khiến con đường lên vùng chè Shan tuyết di sản cổ thụ lớn nhất Việt Nam của chúng tôi thêm gập ghềnh, gian nan. Thế nhưng khi đặt chân tới Cao Bồ (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) lại cho chúng tôi cái cảm giác ấm lòng khách đường xa khi đặt chân đến đây vào lúc nửa đêm và thưởng thức một ấm chè Shan tuyết chính hiệu giữa không gian bảng lảng sương khói, mây mù. Không giống như chè trung du, chè Shan tuyết có nước vàng óng sóng sánh tựa mật ong. Uống vị đậm đà, thơm chát sau ngọt hậu và rất được nước. Nếu chè trung du chỉ pha được khoảng 2 nước, chè Shan tuyết đến nước thứ 5 mà vẫn còn vị và độ đậm đặc.

 Những cây chè cổ thụ trên đất Cao Bồ, Vị Xuyên. 

Báu vật giữa đại ngàn miền sơn cước

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Xuyên cho biết, tổng diện tích đến năm 2022 có 3.674 ha (chè cho thu hoạch 3.643 ha), diện tích chè của huyện được phân làm 2 vùng chè rõ rệt, đó là chè vùng cao và chè vùng thấp. Trong đó: Chè Shan tuyết vùng cao chiếm 74,6% tổng diện tích, phân bố tại các xã Thượng Sơn, Cao Bồ, Quảng Ngần, Thanh Thủy, Lao Chải, Xín Chải, Thanh Đức, Phương Tiến, (độ cao so với mực nước biển từ 500 – 1500m); Chè vùng thấp 25,4% tổng diện tích, tập trung tại các xã: Việt Lâm, thị trấn Việt Lâm, Trung Thành, Ngọc Linh, thị trấn Vị Xuyên (độ cao dưới 500m so với mực nước biển), chủ yếu các giống chè Trung du do lưu từ diện tích của Nông trường chè ngày xưa để lại, ngoài ra sau này các hộ trồng cải tạo và mở rộng diện tích bằng các giống PH1, PH4… Về năng suất, sản lượng: Năng suất chè búp tươi bình quân của huyện Vị Xuyên năm 2022 ước đạt 40,2 tạ/ha, sản lượng đạt 14.644,9 tấn.

Những thân chè hàng trăm năm tuổi phủ đầy địa y rêu mốc. 

Riêng đối với quần thể chè Shan tuyết vùng cao: Diện tích 2.743 ha, đã được người dân bản địa trồng từ bao đời nay, có nhiều cây trên 100 năm tuổi, được nhân giống tại chỗ, phát triển tự nhiên, ít được đầu tư thâm canh chăm sóc, không sử dụng phân bón hóa học, không phun thuốc trừ sâu, do trồng trên đồi, núi cao, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn.

Các làng bản ở xã Cao Bồ như sợi chỉ vắt mình chạy quanh lưng chừng dải Tây Côn Lĩnh. Cây chè cũng theo hơi người mà mọc khắp núi rừng. Tại đây, được nghe những câu chuyện mà các cụ già trong làng kể lại về những cây chè cổ thụ càng hấp dẫn, mê mẩn và dẫn dụ chúng tôi tìm đến rừng chè cổ thụ nơi đây.

Những cây chè qua hàng chục đời người...

Từ trung tâm xã Cao Bồ lên các thôn con đường dài khoảng 6km đi mất 30 phút đồng hồ. Từ các thôn lên cây chè cổ thụ gần 1.000 năm tuổi mất khoảng nửa ngày đường. Mặc dù thời điểm chúng tôi có mặt là những ngày giữa tháng 3, thế nhưng ở vùng cao nguyên cao hơn 1.500m, hơi lạnh vẫn chạy qua từng lớp áo, khiến ai nấy phải “rít” lên. Băng qua nhiều con đồi dốc lởm chởm đến giữa làng Lùng Tao, chúng tôi chỉ kịp dừng nghỉ một chút, tận hưởng thứ không khí trong lành, khoan khoái giữa thiên nhiên khoáng đạt. Tiếp tục hành trình lên vùng chè cổ, giữa đại ngàn rừng xanh, mỗi lá cây, ngọn cỏ nơi đây như được tắm trong mây mù. Lớp lớp các loài cây thân gỗ được khoác lên mình bộ áo rêu phong xanh mướt.

Phăm phăm len lỏi qua những thân chè phủ đầy địa y rêu mốc, chúng tôi dừng lại trước một cây chè với tán cây vươn dài ra hai phía, những cành chè mang dáng dấp của một bonsai khổng lồ, đẹp mê hoặc. Phải ngẩng cao đầu mới nhìn thấy hết chiều cao của những thân cây chè đang mọc xen giữa những lớp cây cổ thụ cao vài chục mét.

Xã Cao Bồ có gần 1.000 ha chè Shan tuyết cổ thụ sinh sống trên các đỉnh núi cao, phân bổ đều ở 11 thôn. 

Những cây chè cổ thụ Hà Giang nói chung có dáng dấp can trường và nghĩa khí của những hiệp khách biên ải. Chiều cao chủ yếu từ 2,2 đến 3,3m, tuy nhiên cũng có những cây cao từ 8 đến 9m (tỷ lệ thấp), độ cao phân cành trung bình từ 1,0 đến 1,1m, có từ 2 đến 4 cành cấp 1.

Sừng sững trên đỉnh núi Cô Sẩu với độ cao gần 1.500m. “Cụ chè” có độ tuổi mấy trăm năm (không ai biết rõ tuổi chính xác của “cụ chè” - có người còn cho rằng “cụ chè” có độ tuổi gần cả nghìn năm). Đây là cây chè có độ tuổi và đường kính cao bậc nhất của tỉnh Hà Giang. Cây chè cao khoảng 14m, gốc to 2 người ôm mới hết. Thân cây vạm vỡ không thua kém các cây cổ thụ quanh cánh rừng; thân và cành chè tạo nên tán rộng, chắc khỏe, các lá to màu xanh sáng, có mũi lá nhọn dài, chiều dài lá 18 - 20cm, búp mập to có nhiều lông bạc như tuyết.

Trong các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng và trong đời sống kinh tế của người Dao áo dài ở xã Cao Bồ luôn có sự xuất hiện của cây chè. 

Có đến cả 10 đời nay, người Dao áo dài ở xã Cao Bồ sinh sống trên dải Tây Côn Lĩnh. Trong các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng và trong đời sống kinh tế, cây chè luôn đồng hành cùng họ từ đời này qua đời khác. Mỗi người dân sinh ra lớn lên đã thấy những cây chè Shan tuyết đứng sừng sững giữa núi rừng. Ngoài làm thức uống hảo hạng, chè còn có các chất như kháng sinh, chống ung thư, tăng tuổi thọ... bảo vệ sức khỏe rất tốt cho con người. Từ Cao Bồ, cây chè cứ mọc rộng chạy khắp cánh rừng ở huyện Vị Xuyên rồi bao phủ quanh dãy Tây Côn Lĩnh gồm các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Xín Mần,... tạo nên quần thể chè Shan tuyết kỳ vỹ.  

 Hàng năm, cây chè Shan tuyết ở Cao Bồ (Vị Xuyên, Hà Giang) có từ 3 đến 5 đợt sinh trưởng búp.  

Dù đã từng nhìn thấy những cây chè Shan tuyết cổ thụ ấy trên ảnh, trong phim, nhưng khi tới đây, được áp tay lên lớp địa y phủ mốc thếch trên thân cây chè cổ thụ gân guốc chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ. Xưa nay nói đến cây chè, ai cũng hình dung những đồi chè lúp xúp trên những bình nguyên, không thể tin có những cây chè cao hàng chục mét và thân rộng cả vòng tay ôm như thế này.

Điều thú vị là những cây chè hàng trăm tuổi nơi đây mọc trên núi đá cao không cần chăm sóc, bón phân mà tự tích lũy tinh túy của đất trời. Suốt mùa đông giá lạnh chè không ra búp mà ủ sức để đến mùa xuân bật ra những búp non đầu tiên. Người dân thường chọn ngày có sương mù nhưng không mưa, sáng sớm lên núi hái những búp chè non đem sao theo bí quyết riêng sẽ cho ra những búp chè quăn như lưỡi câu giúp mang lại một thức uống sánh vàng như mật với mùi hương dịu ngọt. Cái hay của chè Shan tuyết là khi uống không bị “xoáy”, dù uống chén trà lúc mới tỉnh giấc hay uống khi trưa đói cồn cào. Bởi cái hương, cái vị của chè Shan tuyết dịu nhẹ, thơm nồng.

Cây chè Shan tuyết đã bén rễ, gắn bó với đời sống của bà con dân tộc tại huyện Vị Xuyên. 

Đứng trên thân cây chè cổ thụ, hình ảnh các chàng trai, cô gái dân tộc, tay thoăn thoắt hái những búp chè cổ thụ một tôm, hai lá vừa chia sẻ với chúng tôi lược sử cả trăm năm trước, cây chè Shan đã bén rễ, gắn bó với đời sống của bà con dân tộc nơi đây. Có những cây chè cổ thụ đã có tuổi đời hàng trăm năm. Chè mọc xen lẫn trong rừng sâu, núi cao và xung quanh bản. Nếu như trước đây, cây chè Shan tuyết cổ thụ được bà con bản địa thu hái và chế biến bằng hình thức thủ công, sao chè bằng chảo, vò chè bằng chân, quãng đường vận chuyển chè từ trên núi xuống quá lâu khiến chè bị hấp hơi về đến nhà chè bị úng, khi chế biến thành chè khô pha nước uống không còn màu xanh nữa mà chuyển sang màu vàng đục, vị chát. Thì ngày nay đã có các lò chế biến chè được đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại hơn, giao thông thuận tiện hơn, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, giá bán ra thị trường được cao hơn.

Không chỉ riêng huyện Vị Xuyên, với diện tích chè Shan tuyết cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam tại tỉnh Hà Giang có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn nguồn gen quý, góp phần nâng cao giá trị tăng thu nhập cho người dân. Đây cũng là cơ hội quý để quảng bá thương hiệu chè shan tuyết cổ thụ hữu cơ của tỉnh Hà Giang nói chung và 5 huyện được công nhận cây chè di sản đến với thị trường trong và ngoài nước. Việc bảo tồn và phát triển bền vững cây chè Shan tuyết cổ thụ là nhiệm vụ cấp thiết của tỉnh Hà Giang.

Nguồn: thiennhienmoitruong.vn