Thống kê truy cập
  • Đang truy cập:
  • Hôm nay:
  • Tháng hiện tại:
  • Tổng truy cập:

Triển vọng xuất khẩu chè những tháng cuối năm

Chủ nhật, 09/10/2022, 16:23 GMT+7

Triển vọng xuất khẩu chè những tháng cuối năm

Những thị trường nhập khẩu chè chính của Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, bởi vậy ngành chè trong những tháng cuối năm 2022 được đánh giá khả năng tăng trưởng ở mức thấp.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè trong tháng 8/2022 đạt 12,8 nghìn tấn, trị giá 23 triệu USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 31,7% về trị giá so với tháng 8/2021. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 8/2022 đạt 1.799,1 USD/ tấn, tăng 6,7% so với tháng 8/2021. Xuất khẩu chè tăng mạnh trong tháng 8/2022 là do cùng thời điểm này năm 2021 dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của nhiều ngành hàng bị gián đoạn. Do đó, lượng và trị giá xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 8/2021 ở mức thấp. 

Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu chè đạt 78,9 nghìn tấn, trị giá 136,6 triệu USD, giảm 1,3% về lượng, nhưng tăng 2,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.731,3 USD/ tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021. 

Triển vọng xuất khẩu chè trong những tháng cuối năm 2022 kém khả quan và khả năng tăng trưởng ở mức thấp
Triển vọng xuất khẩu chè trong những tháng cuối năm 2022 kém khả quan và khả năng tăng trưởng ở mức thấp

Triển vọng xuất khẩu chè trong những tháng cuối năm 2022 kém khả quan và khả năng tăng trưởng ở mức thấp. Nguyên nhân là do những thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, cụ thể chính phủ Pakistan kêu gọi người dân giảm tiêu thụ chè do dự trữ ngoại hối ở mức thấp; xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp tục khiến nhu cầu nhập khẩu chè của Nga giảm; Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “Zero Covid” khiến hoạt động xuất khẩu chè tới thị trường này bị gián đoạn.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu chè sang thị trường lớn nhất là Pakistan tăng mạnh cả về lượng và trị giá. Lượng chè xuất khẩu tới thị trường Pakistan chiếm 41% tổng lượng chè xuất khẩu, tăng 10,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. Pakistan luôn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành chè. Tuy nhiên, từ tháng 6/2022 chính phủ Pakistan đã kêu gọi người dân giảm uống chè để giữ cho nền kinh tế phát triển, do dự trữ ngoại hối của Pakistan thấp. Pakistan là nước nhập khẩu chè lớn nhất thế giới, nhập khẩu nhiều chè đồng nghĩa với việc nước này sẽ phải vay tiền, do đó Chính phủ kêu gọi người dân giảm tiêu thụ chè. Vì vậy, xuất khẩu chè tới thị trường Pakistan sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Lượng và trị giá xuất khẩu chè tới thị trường Đài Loan (Trung Quốc) lớn thứ 2 trong 8 tháng đầu năm 2022, tuy nhiên lượng và trị giá xuất khẩu chè sang thị trường này đều giảm, chỉ có giá xuất khẩu trung bình đạt 1.724,8 USD/tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2021. Chi phí vận chuyển và nguyên liệu đầu vào tăng khiến giá chè xuất khẩu bình quân tới thị trường này tăng. 

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã tác động tới hoạt động xuất khẩu chè của Việt Nam sang thị trường Nga. Trong 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu chè sang Nga chỉ đạt 6,4 nghìn tấn, trị giá 11,1 triệu USD, giảm 25,4% về lượng và giảm 20% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Xuất khẩu chè tới thị trường Trung Quốc giảm mạnh cả về lượng và trị giá trong 8 tháng đầu năm 2022. Chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc vẫn được áp dụng đã tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu chè của Việt Nam tới thị trường này. 

Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu chè trong 8 tháng đầu năm 2022, đáng chú ý chè xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Malaysia và Ả rập Xê út tăng rất mạnh cả về lượng và trị giá.

Hoài Anh (t/h) Kinhtedouong.vn