Thống kê truy cập
  • Đang truy cập:
  • Hôm nay:
  • Tháng hiện tại:
  • Tổng truy cập:

Nguồn gốc cây chè thế giới là vùng khí hậu gió mùa Đông nam á

Thứ hai, 14/08/2023, 14:14 GMT+7

Mỗi dân tộc cảm nhận thú vui uống trà một cách khác nhau như thế nào ? Đó là câu hỏi thường gặp trong các cuộc trà thoại về Văn hóa trà của người dân Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam. Dưới đây sẽ giới thiệu lần lượt những danh nhân trà Trung Hoa Như Lục Vũ, Lư Đồng Ngọc Xuyên tử, Tô Đông Pha, Bạch Cư Dị, Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, danh nhân trà Nhật Bản Senno Rikĩu, Okakura Kazuko, danh nhân trà Việt Nam như nhà văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, vua Lê Thánh Tôn hội Tao Đàn, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nhà văn Phạm Đình Hổ, Nguyễn Tuân …và còn mở rộng tầm nhìn sang người dân Anh, Hà Lan, Mỹ và dân tộc Hồi giáo châu Phi, Trung Á.

 

Senno Rikĩu và Okakura Kazuko

Danh nhân Trà đạo Nhật Bản

Senno Rikyũ

Senno Rikyũ là trà sư Nhật Bản của nhà bá chủ độc tài Oda Nobugana và Toytosu Heydoshi đã phát triển  nghệ thuật uống trà lên một vị thế chưa từng có trước đây. Senno Rikyũ và Toytosu Heydoyshi đã trở thành thù địch nhau về quan điểm nghệ thuật uống trà. Mối mâu thuẫn sâu sắc về trà đạo giữa hai người dẫn đến Toytosu Heydoyshi yêu cầu Senno Rikyũ tự sát mổ bụng – harakiri. Một sự kiện tương tự cũng đã sẩy ra với Furuta Oribe, người kế nghiệp của Senno Rikyũ vì âm mưu chống lại Tướng quân Tokugawa Ieyasu của Tokogawa.

Học trò Kobori Enshu của Oribe tiếp tục nghệ thuật Trà đạo chính thống và thiết kế Vườn trà và Trà thất, là trà sư của các Tướng quân Tokogawa, hoạt động tự do trong giới quý tộc.

Senno Rikyũ là một nghệ sỹ vào thế kỷ thứ 16 trong quần thần của Tướng quân Hideyoshi, đã duyệt buổi nghi lễ theo kiểu cách wabi (có nghĩa là thô sơ, đơn giản), “tĩnh lặng”, “không có trang trí gì”; điều mà đa số nhân dân ưa thích ở Nhật Bản.

Các chủ nhân phòng trà wabi ưa thích nhất những trà cụ đơn giản, kiểu dáng thô sơ.

Senno Rikyũ đã nghiên cứu tục uống trà và sáng lập Trà đạo Nhật Bản, ra mắt tại chùa Kinh sơn tự; từ đó đề xuất 4 nguyên tắc “Hoà – Kính – Thanh – Tịnh” để bồi dưỡng đạo đức và nếp sống xử thế văn minh trong xã hội con người. Senno Rikyũ và đồng tác giả, phát triển Trà đạo bao gồm bốn đặc điểm: Sự hoà đồng của các khách mời, sự tôn kính trà cụ hành lễ, sự tôn kính khách mời và sự tinh khiết của nghi thức Shinto, yêu cầu người tham gia buổi nghi lễ Trà đạo, rửa sạch tay và súc miệng, như là một cử chỉ biểu hiện của sự tinh khiết trước khi bước vào Trà thất, sự bình thản sử dụng lâu dài và trân trọng mọi vật dùng trong nghi lễ Trà đạo.

Trà đạo Nhật Bản đã thăng hoa vượt lên cao, để trở thành một tôn giáo và một nghệ thuật sống của con người. Trà đạo đòi hỏi sự tinh khiết và tế nhị nhằm tạo dựng cho chủ nhân và khách mời được thưởng thức những giây phút thư giãn, hạnh phúc và cao thượng trong cuộc sống đời thường hiện đại.

 

Okakura Kazuko

Okakura Kazuko sinh năm 1862, mất năm 1913. Vốn là người Nhật Bản chính cống, được giáo dục từ sớm nền văn hóa Nhật Bản, là người bảo vệ nhiệt tình truyền thống và phong tục tập quán Nhật Bản đã làm nên sức mạnh và nền văn minh Nhật Bản trong nhiều thế kỷ, đã xuất bản các tác phẩm Lý tưởng Phương Đông (1903), Sự thức dậy của Nhật Bản (1905), Trà luận (1906) bằng tiếng Anh. Khi còn trẻ năm 1886 ông đã viết bài giớ thiệu mở đầu của Lý tưởng Phương Đông nên được bổ nhiệm làm thành viên của phái đoàn chính phủ Hoàng gia Nhật Bản cử sang châu Âu và Hoa Kỳ để nghiên cứu khảo sát lịch sử nghệ thuật và phong trào văn hóa nghệ thuật hiện đại. Ông không hề bị suy yếu bởi cuộc khảo sát này mà trái lại đã khơi lên niềm đam mê nghệ thuật châu Á. Từ đó ông đã hoạt động tích cực để phục hưng nghệ thuật Trung Hoa làm đối trọng với những xu hướng châu Âu lúc đó đang thịnh hành ở Viễn Đông. Trở về Nhật Bản, chính phủ Nhật Bản đã bổ nhiệm ông giữ chức vụ Giám đốc Trường nghệ thuật Ueno mới mở ở vùng ngoại ô Tokyo. Nhưng lúc đó những biến động chính trị đương thời đã đưa phương pháp giáo dục châu Âu lên ngôi đầu bảng trong các trường học năm 1897 lại rộ lên, nên Okakura Kazuko đã đệ đơn  từ chức. Sáu tháng sau 39 nghệ nhân nổi tiếng đã tập trung dưới lá cờ của ông và mở ra Trường nghệ thuật Nippon Bijitsu – in còn gọi là Bảo tàng mỹ thuật ở Yanaka tại vùng ngoại ô Tokyo. Những nghệ thuật như sơn trang trí Nhật Bản, đúc đồng thau, làm đồ gốm sứ cùng với nghệ thuật vẽ tranh và điêu khắc đã được giảng dạy trong trường. Ông còn giúp chính phủ Nhật Bản thu thập phân loại những kho tàng nghệ thuật của Nhật Bản. Ông đã bỏ tất cả những toan tính cá nhân, sự yên ấm và tiền của cá nhân để đấu tranh với ảnh hưởng tệ nạn vùng vẫy đương thời của sức mạnh vật chất Phương Tây. Hoàng đế mới của Nhật Bản là bạn hữu của ông cũng hy vọng như ông một sự trỗi dậy của những lý tưởng truyền thống để chặn đứng phong trào thủy triều cuồn cuộn của nền văn minh vật chất của Phương Tây.

Gia đình cô Mary Curtis người Mỹ ở Boston có một người bạn thân thiết và thường xuyên lui tới thăm hỏi gia đình là Okakura Kazuko khi ông du học dài ngày ở Mỹ. Trò truyện đàm thoại với ông thật tuyệt vời vì ông rất thông thái hiểu biết sâu rộng. Thấu đáo quá khứ tường tận, lại hiểu biết sâu rộng những đỉnh cao nghệ thuật và cuộc sống đương đại. Ông kể chuyện lịch sử và huyền thoại của nước Nhật Bản cổ xưa một cách hóm hỉnh khôi hài. Ông say mê âm nhạc nhất là âm nhạc Pháp hiện đại. Ông thuộc dòng họ võ sỹ đạo gà nòi samourai. Theo cô Mary Curtis ông có vóc dáng người cao lớn, tóc hơi soăn, nhất là hai bàn tay rất đẹp giống như bàn tay của Phật bà và bao giờ cũng mặc trang phục Nhật Bản. Ông rất bình dị và nhiều tài năng. Đó là một nhà khoa học thông thái và nhà văn độc đáo nhất về nghệ thuật Phương Đông hiện đại. Ông yêu say đắm Raphael và ghét cay đắng Rubens. Ông đã cải chính câu nói nổi tiếng của R.Kipling “ Ôi ! Phương Đông là Phương Đông, Phương Tây là Phương Tây Họ không bao giờ bắt tay nhau “. Nhưng họ đã gập nhau trong một con người Okakura Kazuko.

 

Okakura Kazuko (1906) là tác giả cuốn sách Trà luận, một tác phẩm quan trọng cần phải tham khảo như một tư liệu gốc khi tiếp cận nghiên cứu Trà đạo Nhật Bản. Bảy điểm của trà luận Nhật Bản theo Okakura Kakuzo, bao gồm Chén trà nhân loại, Các trường phái Trà đạo, Đạo Lão và Thiền tông, Trà thất, Hoa pháp, Trà nhân.

Chén trà nhân loại – Trước khi trở thành một thứ nước uống, trà còn là một dược liệu. Chỉ đến thế kỷ thứ VIII, trà mới xuất hiện ở Trung Hoa trong lĩnh vực thi ca, như là một thú vui cao thượng của thời đại. Vào thế kỷ thứ XV ở Nhật Bản, trà được tôn vinh thành Trà đạo – một triết lý tôn thờ cái đẹp trong cuộc sống đời thường.

Trà đạo gợi lên cho các tín đồ sự thanh tịnh, trong sáng, hài hoà, huyền bí và lãng mạn trong trật tự xã hội. Trà đạo chủ yếu tôn thờ cái Chưa hoàn hảo, vì đó là một nỗ lực để thực hiện một khả năng có thể có trong cái sự đời không có thể, mà chúng ta gọi là cuộc sống.

Triết lý của Trà đạo không chỉ đơn giản là một sự tôn thờ cái đẹp theo nghĩa thông thường của từ ngữ, bởi vì kết hợp với mỹ học và tôn giáo, nó còn giúp cho con người thể hiện khái niệm tổng hợp của chúng ta về Thiên – Địa – Nhân.

Đây là một yêu cầu về tinh khiết, vì nó đòi hỏi thanh tịnh; đây là một đạo đức tiết kiệm, bởi vì nó chứng minh cho chúng ta, hạnh phúc cuộc đời chủ yếu là sự đơn giản hơn là sự phức tạp phiền toái và chi tiêu phí hoang phí; đây là một thước đo tinh thần nhằm xác định vị trí của chúng ta trong vũ trụ. Nó đại diện cho tinh thần dân chủ đích thực của Viễn Đông, vì nó biến các tín đồ Trà đạo thành những nhà thưởng thức trà sành điệu.

Thế kỷ thứ XV, nghi lễ uống trà được thiết lập dưới sự chủ trì của Shogun Ashikaga – Voshinasa. Trà đạo đã thành quy phạm độc lập và tồn tại hàng thế kỷ ở Nhật Bản. Uống trà hãm nước sôi chỉ được biết ở Nhật Bản giữa thế kỷ XIX đã thay thế trà bột khuấy nước sôi trong dân gian, nhưng trà bột khuấy vẫn đứng đầu bảng ở Nhật Bản. Trà đạo Nhật Bản còn vượt lên cao trở thành một tôn giáo và nghệ thuật sống của con người. Trà đạo đòi hỏi sự tinh khiết và tế nhị để tạo dựng cho chủ và khách được thưởng thức hạnh phúc cao thượng của cuộc sống hiện đại. Trà thất là một ốc đảo trong cái sa mạc của đời sống, nơi mà những kẻ lữ hành mệt mỏi gặp nhau để uống trà và hưởng thụ nguồn vui thú nghệ thuật, giữa hoa và họa phẩm, xung quanh một chén trà. Không một màu sắc lạ, không một tiếng động, không một tiếng nói làm quấy rối những thao tác đơn giản và tự nhiên trong quá trình pha uống trà. Đã có một triết lý tế nhị trong Trà đạo, chính là Đạo Lão cải trang.

Trà thất

Trà thất – Sukiya – chỉ là một túp lều tranh nhỏ của nông dân. Về tự nguyên Sukiya có nghĩa là Ngôi nhà của sự bay bổng ngẫu hứng. Sau đó nhiều chủ nhân Trà thất thay bằng chữ Trung Hoa theo khái niệm cá nhân về Trà thất, thành ra danh từ Sukiya cũng có nghĩa là Ngôi nhà của Hư vô hay Ngôi nhà của Bất đối xứng. Đúng Ngôi nhà của sự bay bổng ngẫu hứng chỉ là một kiến trúc tạm thời ngắn ngủi, dựng lên để làm không gian cho một nhu cầu thơ mộng. Đúng là một ngôi nhà của Hư vô, nó trơ trụi không có trang trí vĩnh viễn, vì chủ nhân có thể rất tự do, thoải mái đặt trong đó bất cứ một cái gì để thoả mãn một ý nghĩ thay đổi bất thường thoáng qua của cá nhân.

Trong Trà thất, bao giờ cũng sợ cái lặp lại. Đồ vật trưng bày để trang trí căn phòng bao giờ cũng được lựa chọn để không có một sự trùng lắp về màu sắc, hình vẽ. Nếu đã đặt một bông hoa tươi thì không được treo bất cứ một bức tranh vẽ hoa nào nữa. Nếu đã chọn một ấm đun nước tròn thì phải chọn một chén vuông. Một chén uống trà màu men đen thì không được có một hộp trà sơn đen bên cạnh. Khi đặt một chiếc lọ trên bình đốt hương ở trên bàn thờ – tokonoma – thì không được đặt chính giữa, để tránh chia không gian thành hai phần bằng nhau. Chân của chiếc bàn thờ – tokonoma – phải làm bằng loại gỗ khác các chân cột khác, để tránh cảm giác đơn điệu trong gian phòng.

Hoa

Hoa là những người bạn trung thành của chúng ta trong mọi niềm vui và nỗi buồn. Chúng ta ăn uống, hát hò, nhẩy múa và vui đùa với những bông hoa. Chúng ta cưới xin, mừng sinh nhật bằng những bông hoa. Chúng ta đã cố gắng nói bằng ngôn ngữ của loài hoa. Chúng ta tôn thờ hoa huệ trắng, trầm tư mặc tưởng với hoa sen, xông vào trận mạc với hoa hồng và hoa cúc. Làm sao chúng ta có thể sống mà không có hoa. Bông hoa là nguồn an ủi dưới chân giường người ốm; nguồn ánh sáng ban phước lành cho những tâm hồn mệt mỏi. Nguồn vui thanh thản của hoa củng cố sự yếu đuối của chúng ta trong vũ trụ, như cái nhìn chăm chú của một em bé xinh xắn gợi nhớ cho chúng ta những niềm hy vọng đã mất đi vĩnh viễn. Khi chúng ta nằm xuống lẫn vào cát bụi, chính hoa đã khóc trên nấm mồ của chúng ta.