Thống kê truy cập
  • Đang truy cập:
  • Hôm nay:
  • Tháng hiện tại:
  • Tổng truy cập:

Hội thảo kết quả thực hiện dự án phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tỉnh Bắc Kạn

Thứ ba, 04/01/2022, 17:05 GMT+7

Trong hai ngày 24, 25 tháng 11 năm 2021, tại xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, xã Như Cố, huyện Chợ Mới, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Miền núi phía Bắc tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện dự án: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn”. Dự hội thảo có Lãnh đạo các cơ quan: Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân 02 huyện Ba Bể, Bạch Thông, Viện khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật; đại diện các phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kinh tế hạ tầng, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện Ba Bể, Chợ Mới, Bạch Thông, Ban chủ nhiệm dự án, Lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền các xã Mỹ Phương huyện Ba Bể, Như Cố, Quảng Chu huyện Chợ Mới, một số Hợp tác xã trên địa bàn, đại diện các hộ dân tham gia dự án.

 

Đại biểu thăm quan mô hình thâm canh chè theo VietGAP

 

Sau khi đi thăm quan thực tế hai mô hình cải tạo thâm canh chè và mô hình trồng chè giống mới chất lượng cao, nghe đại diện cơ quan chủ trì báo cáo kết quả thực hiện dự án đã đào tạo, tập huấn cho người dân về sản xuất, canh tác, chế biến các sản phẩm chè. Xây dựng mô hình 20 ha thâm canh chè theo hướng VietGAP trong đó 10 ha tại xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, 10 ha tại xã Như Cố huyện Chợ Mới. Khi được áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào thâm canh cây chè đã làm tăng số lần hái/tháng/năm, năng suất chè búp tươi trung bình đạt 8,62 tấn/ha tăng 20,56% so với trước khi thực hiện dự án, Hiệu quả kinh tế tăng 34,05% so với đối chứng.

 

Mô hình sản xuất chè VietGAP tại xã Như Cố huyện Chợ Mới

 

Xây dựng 5 ha mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ năng suất  đạt 3,13 tấn/ha tăng 30,56% so với trước khi thực hiện dự án và tăng 29,48% so với sản sản xuất đại trà. Xây dựng 12 ha trồng giống chè mới chất lượng cao trong đó có 10 ha theo VietGAP, 02 ha theo hướng hữu cơ kết quả cho thấy hai giống chè (PH8, Kim tuyên)  rất  thích hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, đây là điều kiện thuận lợi để thay thế giống chè cũ bà con đã trồng từ nhiều năm trước, năng suất, chất lượng kém, hiện nay toàn bộ diện tích chè trồng mới sinh trưởng phát triển tốt đã cho thu hoạch búp. Dự án đã giúp nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ cho Hợp tác xã chè Mỹ Phương huyện Ba Bể, Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Như Cố huyện Chợ Mới. Hỗ trợ kỹ thuật, máy móc, thiết kế nhãn mác, bao bì; đào tạo, tập huấn chuyển giao qui trình công nghệchế biến 03 sản phẩm chè mới gồm (chè xanh thơm, chè sợi, chè Ngân kim).

 

Ông Hoàng Văn Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ trao Giấy chứng nhận VietGAP cho Hợp tác xã thanh niên Như Cố huyện Chợ Mới

 

Các đại biểu, đại diện các hộ tham dự hội thảo đã thảo luận đánh giá dự án đã đạt được mục tiêu, hoàn thành nội dung được phê duyệt. Việc triển khai dự án đã góp phần làm thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất chè nói riêng. Từ thành công của các mô hình này các đại biểu cũng mong muốn các nhà khoa học, Cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến địa phương có các định hướng phát triển cây chè, đặc biệt là khâu chế biến sâu nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm chè và tạo các mẫu mã bào bì đẹp, bắt mắt người tiêu dùng; tuyên truyền, vận động, có các khuyến cáo trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để cải tạo, thâm canh các nương chè phân tán, già cỗi, đưa các giống chè mới để cây chè trở thành hàng hóa và là cây làm giàu cho người dân. Nhân dịp này Sở Khoa học và công nghệ đã trao giấy chứng nhận VietGAP, hữu cơ cho Hợp tác xã chè Mỹ Phương và Hợp tác xã Nông nghiệp thanh niên Như Cố huyện Chợ Mới./.