Thống kê truy cập
  • Đang truy cập:
  • Hôm nay:
  • Tháng hiện tại:
  • Tổng truy cập:

Kỹ thuật giâm hom chè dự phòng

Thứ hai, 27/04/2020, 08:54 GMT+7

TIẾN BỘ KỸ THUẬT:

KỸ THUẬT GIÂM HOM CHÈ DỰ PHÒNG

(BẢO QUẢN HOM CHÈ GIỐNG)

(Ban hành kèm theo Quyết định số TBKT 01- 02:2015/BNNPTNT

 ngày 18 tháng 06 năm 2015 của Cục trưởng Cục Trồng trọt)

 

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Nhóm tác giả: TS. Đỗ Văn Ngọc; ThS. Trần Xuân Hoàng; KS. Đỗ Cao Cường; KS. Nguyễn Thị Bình.

2. Cơ quan tác giả: Viện KHKT Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc.

3. Nguồn gốc xuất xứ:

 Từ kết quả nghiên cứu thuộc hạng mục: “Hoàn thiện công nghệ nhân giống chè mới” phần vốn sự nghiệp của dự án: “Sản xuất giống chè giai đoạn 2011 - 2015”, do TS. Đỗ Văn Ngọc chủ nhiệm dự án.

4. Phạm vi ứng dụng: Hom chè giống: PH10, PH8, PH11…; ở các tỉnh trồng chè ở vùng miền núi phía Bắc.

5. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất chè ở giai đoạn vườn ươm.

6. Tiêu chuẩn trích dẫn: Tham khảo tài liệu về Kỹ thuật giâm cành chè – Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, nội dung thay đổi bổ sung ở phần kỹ thuật vườn ươm và chăm sóc cây con

II. KỸ THUẬT GIÂM HOM CHÈ DỰ PHÒNG (BẢO QUẢN HOM CHÈ GIỐNG)

Bảo quản hom (giâm hom chè dự phòng) để thay thế (dặm), những hom chè chết trong thời kỳ đầu giâm cành 1 - 3 tháng; bảo quản hom để tích lũy đủ số lượng phù hợp yêu cầu sản xuất giống ở những giống mới nguồn giống còn hạn chế; giâm hom chè dự phòng (bảo quản hom) do chưa kịp đóng bầu, diện tích vườn ươm nhỏ.

1. Thời vụ giâm hom chè dự phòng

Giâm hom chè dự phòng để dặm hom theo thời vụ giâm cành trong quy trình Kỹ thuật giâm cành chè, trong đó: ở miền Bắc có 2 thời vụ giâm hom chè dự phòng tốt nhất là vụ đông xuân và vụ hè thu. Vụ đông xuân có thể giâm từ 15 tháng 11 đến trung tuần tháng 2. Vụ hè thu có thể giâm từ giữa tháng 6 đến trung tuần tháng 8. Ở miền Nam (vùng Tây Nguyên và Bảo Lộc) thời vụ giâm canh có thể từ tháng 4 đến tháng 8.

Giâm hom chè dự phòng ở giống mới, nguồn giống còn hạn chế có thể bảo quản quanh năm.

2. Chọn luống đất để giâm hom chè dự phòng

Luống đất cắm hom bảo quản được thực hiện ở vườn ươm như trong Kỹ thuật giâm cành chè.

Khi bảo quản hom (giâm hom chè dự phòng):Độ dày lớp đất mặt luống là 5 cm. Giữa 2 luống có 01 rãnh rộng 40 cm đi lại chăm sóc, đào rãnh tiêu nước cho vườn bảo quản hom.

Đất cần tơi xốp, được đập nhỏ qua sàng (đường kính viên đất nhỏ hơn 0,5 cm) có điều kiện phơi khô đất càng tốt.

3. Mật độ hom bảo quản (giâm hom chè dự phòng)

  Đối giống có diện tích lá nhỏ (PH10): mật độ hom giống 500 hom/m2; Đối với giống diện tích lá trung bình (PH8): mật độ hom giống 400 hom/m2; Đối với giống diện tích lá to (PH11): mật độ hom giống 350 hom/m2.

4. Quản lý chăm sóc vườn bảo quản (giâm hom chè dự phòng)

 - Tưới nước:  + Ở 2 tuần đầu sau cắm hom duy trì ẩm độ cao 90 - 95 %;

                      + Ở 2 tuần tiếp theo duy trì ẩm độ đất 90 %;

                      + Từ 30 - 60 ngày duy trì ẩm độ đất 80-85%

Kỹ thuật tưới: sử dụng kỹ thuật tưới phun mưa có kích thước giọt nhỏ để duy trì ẩm độ đất, trong thời kỳ đầu (30 ngày) phun 2 - 4 lần trong ngày tùy theo thời tiết lượng nước phun 0,2 - 0,5 lít nước/m2; ở thời kỳ sau (30 - 90 ngày) sau 2 - 3 ngày phun một lần, lượng nước phun 0,5 - 1,0 lít/m2.

- Về phân bón:

Trong thời gian bảo quản hom không sử dụng phân bón.

- Điều khiển ánh sáng: Thời kỳ đầu bảo quản (15 ngày) che 75 - 85 % ánh sáng; Thời kỳ 15 - 30 ngày che 70 - 75 % ánh sáng; Thời kỳ 30 - 90 ngày che 70% ánh sáng. 

- Tiêu chuẩn hom xuất vườn:hom khỏe, lá xanh bóng láng, chiều dài mầm nách từ 1 - 1,5 cm, chiều dài rễ từ 2 - 2,5 cm./.

Trích nguồn: vitesta.com