Access counter
  • Online:
  • Today:
  • This month:
  • Total:

VAI TRÒ CỦA GIỐNG CHÈ MỚI TRONG SẢN XUẤT, ĐỀ XUẤT CƠ CẤU GIỐNG VÀ MỘT SỐ KỸ THUẬT CANH TÁC NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT CHÈ

Sunday, 16/05/2021, 07:32 GMT+7

VAI TRÒ CỦA GIỐNG CHÈ MỚI TRONG SẢN XUẤT, ĐỀ XUẤT CƠ CẤU GIỐNG VÀ MỘT SỐ KỸ THUẬT CANH TÁC NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT CHÈ

(Bài viết hưởng ứng ngày chè thế giới 21/5/2021)

 

Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc

 

Hiện nay Việt Nam có khoảng 125 nghìn ha, năng suất đạt trên 90 tạ/ha với sản lượng trên 1 triệu tấn búp tươi, lượng chè xuất khẩu cả nước đạt 120-130 ngàn tấn, trị giá khoảng 220-250 triệu USD. Hằng năm, Việt Nam xuất khẩu chè đi gần 100 Quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè, riêng xuất khẩu chè xanh đứng thứ 2 thế giới. Đến nay Việt Nam có thể sản xuất được gần như tất cả các loại chè phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng trên thế giới. Chế biến chè đã được nâng cấp cải thiện về quy mô và công nghệ cũng như thiết bị, cả nước hiện có gần 300 doanh nghiệp chế biến chè quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế 5.000 tấn nguyên liệu tươi/ngày, sử dụng khoảng 250 ngàn lao động sản xuất ra trên 200 tấn sản phẩm. Hiện cơ cấu sản phẩm chè đen chiếm 55%, chè xanh chiếm 45% gồm chè sao lăn, chè xanh duỗi và các loại chè đặc biệt như Olong, Phổ Nhĩ, chè hương, chè hoa, chè thảo dược…

Tuy nhiên, ngành chè Việt Nam hiện tại vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, hiệu quả sản xuất chè chưa cao, còn thua kém rất nhiều so với ngành chè của các nước khác. Để ngành chè khắc phục được những tồn tại, phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn nữa, đòi hỏi người trồng chè, các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp cần tiếp tục có những đóng góp cho sự nghiệp phát triển chè Việt Nam.

I. HIỆN TRẠNG CƠ CẤU GIỐNG CHÈ VÀ TÌNH HÌNH SẢN XUẤT CHÈ CỦA CÁC TỈNH TRỒNG CHÈ CHÍNH

1.1. Đánh giá chuyển dịch cơ cấu giống chè tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Lâm Đồng

Sau khoảng 10 năm từ năm 2010 đến năm 2019, cơ cấu giống chè trong sản xuất tại các tỉnh trồng chè chính trên cả nước đã có sự thay đổi căn bản. Việt Nam hiện có tập đoàn 230 giống chè phục vụ nghiên cứu trong đó có 16 giống đang được ứng dụng hiệu quả trong sản xuất tại các vùng chè, các giống chè mới được các tỉnh đẩy mạnh trồng thay thế giống cũ đã làm thay đổi rất nhiều tới cơ cấu sản phẩm chè, vì vậy các sản phẩm chè hiện nay của Việt Nam đã đa dạng hơn rất nhiều. Cơ cấu giống chè của Việt Nam theo sản phẩm chè đen hiện nay chiếm 70% còn lại 30% là cơ cấu giống cho sản phẩm chè xanh và các loại chè khác. Trong khi đó cơ cấu giống chè của thế giới như sau: giống chuyên chế biến chè đen chiếm 10%; giống chuyên chế biến chè xanh chiếm 21%; giống chế biến chè đen và chè xanh chiếm 44%; giống chế biến chè Olong và chè khác chiếm 25% (Trích tài liệu Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc hợp tác sản xuất và tiêu thụ chè, cà phê, Hà Nội ngày 14/10/2019).

            Quá trình gần 10 năm, cơ cấu giống chè tại Việt Nam đã có sự dịch chuyển lớn tại một số tỉnh như: Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Lâm Đồng…cụ thể như bảng sau:

 

 

Nguồn: Tài liệu Hội nghị tổng kết đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và thủy sản đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT – Hà Nội, tháng 4 năm 2019.

Theo thống kê trên, diện tích các giống chè năng suất cao, chất lượng tốt trồng bằng giâm hom tính đến 2018 đạt trên là 65% tổng diện tích (cả trồng mới và trồng thay thế), tương đương khoảng 75.000 ha.

Năng suất chè bình quân từ các giống chè mới tăng từ 6,9 tấn/ha/năm (năm 2014) lên 9,0 tấn/ha/năm (tăng 30%) trong năm 2018, mang lại trên 1.035 tỷ/năm; giá trị bán chè từ diện tích chè giống mới tăng 20% so với năm 2015, góp phần tăng trên 400 tỷ đồng cho người sản xuất chè. Tổng giá trị do áp dụng các giống chè mới mang lại đạt gần 1.500 tỷ đồng/năm.

Đánh giá cơ cấu chuyển dịch giống chè theo các vùng nguyên liệu như sau:

+ Tỉnh Thái Nguyên:

            Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên, đến cuối năm 2015, toàn tỉnh đã có trên 56% diện tích chè sử dụng các giống chè mới. Trong cơ cấu gần 25 giống chè đang có trên địa bàn của Tỉnh, các giống chủ đạo được người sản xuất tin dùng là LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, các giống chè mới như PH8, PH9,.. Đây đều là các giống có nguồn gốc từ Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc nghiên cứu và chuyển giao.

            Trong thời gian qua, một trong những thành công nổi bật nhất của tỉnh Thái Nguyên là đã xây dựng được vùng nguyên liệu chè búp tươi với quy mô lớn. Đến cuối năm 2019, sản lương chè búp tươi Thái Nguyên đạt 230.000 tấn đứng đầu cả nước về sản xuất chè, mỗi năm tỉnh trồng mới và trồng thay thế trên 1.000ha chè giống mới có năng suất, chất lượng cao chủ yếu phục vụ chế biến chè xanh, chè xanh đặc sản. Đến nay tỷ lệ chè giống mới của Thái Nguyên đã đạt 74,2% chủ yếu là các giống LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên là những giống phục vụ chế biến chè xanh. Đồng thời với nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu giống, tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến chè an toàn, chất lượng. Đến nay, Thái Nguyên đã có hàng ngàn ha được chứng nhận an toàn, dó đó giá các sản phẩm chè Thái Nguyên không ngừng nâng cao. Giá trị sản phẩm thu được trên 01ha chè bình quân từ 300-500 triệu đồng/ha, vùng chè đặc sản đạt từ 500-800 triệu đồng/ha; giá bán bình quân từ 200-300 nghìn đồng/kg; chè đặc sản từ 2,5-5,0 triệu đồng/kg (Nguồn: Tài liệu Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc hợp tác sản xuất và tiêu thụ chè, cà phê, Hà Nội ngày 14/10/2019).

            Như vậy, vai trò của chuyển dịch cơ cấu giống mới năng suất và chất lượng và ứng dụng TBKT, công nghệ mới đã quyết định đến thành công của sản xuất chè Thái Nguyên. Mục tiêu của tỉnh Thái Nguyên là đến năm 2020 hoàn thành cơ cấu lại hệ thống giống chè hiện có, giảm diện tích chè trung du còn dưới 20%, các giống chè mới tăng đạt 80%, ưu tiên sử dụng các giống cho chế biến chè xanh chất lượng cao như LDP1, PH8, TRI777, LCT1,..

+ Các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc:

            Nhìn chung đến năm 2020, các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc đều có sự dịch chuyển rất lớn về cơ cấu giống chè, các giống chè cũ được thay thế, trồng mới bằng các giống chè mới năng suất và chất lượng cao. Các tỉnh như Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu…tỉ lệ tăng giống mới trên 60%; các tỉnh khác có tỉ lệ giống mới đều tăng trên 30%. Tuy nhiên, giai đoạn 2010-2019 các giống mới được trồng tại các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc chủ yếu là nhóm giống phục vụ chế biến chè đen như LDP2, PH11; giống có thể chế biến chè xanh và đen như các giống Shan, LDP1, PH8; hoặc giống chuyên chế biến chè xanh, chè Ô long như Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên…Riêng tỉnh Lai Châu trong những năm gần đây đã trồng mới được gần 3.000 ha giống chè mới PH8. Nhóm các giống chè cũ như Trung du, Shan bản địa, PH1, TRI777...đã giảm đều ở các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc. Vì vậy, sản phẩm chế biến đã đa dạng hơn rất nhiều, các nhà máy chế biến sản phẩm mới như: Chè Ô long, Matcha, Sencha, các loại chè đặc sản... đã được đầu tư xây dựng. Do đó hiệu quả sản xuất chè tại các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc cũng đã được nâng lên rất nhiều.

+ Các tỉnh miền Trung:

            Diện tích chè tập trung chủ yếu tại Nghệ An và Hà Tĩnh, các tỉnh khác diện tích chè không đáng kể. Trong thời gian qua, diện tích chè giống mới được chuyển dịch khá mạnh tại Nghệ An và Hà Tĩnh. Với điều kiện tiểu vùng khí hậu riêng biệt, các giống chè chịu hạn như LDP2 là giống được lưa chọn ưu tiên số một tại miền Trung. Cơ cấu giống chè PH1, chè bản địa đã dần được chuyển sang trồng chè LDP2, LDP1. Gần đây, một số giống chè mới đã được đưa vào trồng khảo nghiệm tại Nghệ An như giống PH8, PH9, PH10, PH11, LCT1, LP18, TRI5.0…sau một thời gian theo dõi (5 năm) đến thời điểm hiện tại một số giống chè mới đã được đánh giá thích nghi tốt với tiểu vùng khí hậu Nghệ An-Hà Tĩnh như PH8, TRI5.0. Riêng tại huyện Anh Sơn – Nghệ An đã trồng hàng chục ha chè giống mới; tại huyện Quỳ Hợp – Nghệ An, Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An đã đầu tư trồng mới được gần 100 ha chè giống mới PH8 và TRI 5.0, hiện công ty đã có kế hoạch trồng mới khoảng 1.000 ha chè giống mới trong thời gian tới.

            Các giống chè mới đã đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế xã hội các tỉnh miền Tây Nghệ An và một số khu vực của tỉnh Hà Tĩnh. Hiệu quả sản xuất chè được tăng lên rất nhiều từ các giống mới. 

+ Các tỉnh Tây Nguyên:

            Trong các tỉnh Tây Nguyên thì chè được trồng chủ yếu ở Lâm Đồng. Đến cuối năm 2019, diện tích chè của tỉnh Lâm Đồng đã bị sụt giảm mạnh từ gần 19 ngàn ha xuống còn 12 ngàn ha. Cơ cấu giống chè tại Lâm Đồng cũng có sự thay đổi đáng kể, các giống chè cũ như TB14, LD97, chè Shan đã giảm, riêng giống chè nhập nội như Kim Tuyên, Tứ Quí, Ô long Thanh Tâm lại tăng lên đáng kể chủ yếu do các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư mở rộng diện tích để chế biến chè Ô long. Tuy nhiên giai đoạn gần đây, vì một số lý do khác nhau các doanh nghiệp Đài Loan đã chuyển hướng đầu tư, vì vậy sản xuất chè Lâm Đồng hiện tại gặp nhiều khó khăn.

1.2. Tình hình canh tác, thu hoạch và tổ chức sản xuất tại các vùng chè

            - Các diện tích chè trồng mới đa phần được thiết kế theo đường đồng mức, có cây che bóng mát, trồng ở mật độ từ 18.000 - 25.000 cây/ha đối với chè giống mới.

            - Áp dụng các thiết bị cơ giới trong làm đất, bón phân, làm cỏ, bảo vệ thực vật, kết hợp ép xanh, tủ gốc, tưới nước.

            - Bón phân cân đối kết hợp các nguyên tố đạm, lân, kali và ma giê (Mg), phân hữu cơ, phân vi sinh

            - Kỹ thuật hái chè giãn lứa, hái chè bằng máy giúp giảm thuốc BVTV sử dụng trên nương chè, kỹ thuật này được thực hiện khá tốt ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Lai Châu, Tuyên Quang…

            - Các nông trường chè Quốc doanh chuyển sang cơ chế khoán, tiến hành cổ phần hóa các cơ sở chế biến và dịch vụ.

            - Các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và chế biến khá đa dạng: Doanh nghiệp vốn 100% của nước ngoài, liên doanh, công ty TNHH, HTX, hộ gia đình…

            - Đã hình thành và phát triển một số trang trại trồng chè quy mô hàng chục ha, sử dụng giống chè mới, áp dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất và chế biến tại Thái Nguyên, Lâm Đồng, Cao Bằng, Phú Thọ…

            Một số tồn tại:

            - Canh tác chè đang lạm dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ dẫn đến đất, nước vùng trồng chè bị ô nhiễm ngày càng nặng.

            - Dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm là vấn đề lớn nhất đối với sản xuất chè hiện nay.

            - Các vùng chè hái bằng máy gần như đã chặt bỏ cây che bóng, vấn đề này đã làm ảnh hưởng rất lớn tới việc cân bằng hệ sinh thái đồi chè và làm ảnh hưởng tới sinh trưởng, năng suất đặc biệt khi gặp thời tiết bất thuận có thể làm cháy lá, cây chè bị chết.

            - Các vùng chè không tuân thủ theo đúng Quy trình hái chè bằng máy đã được ban hành làm nhiều diện tích chè bị suy kiệt dẫn đến chết mất khoảng, ảnh hưởng rất lớn tới năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất chè.

            - Kỹ thuật đốn chè không được cập nhật và áp dụng đúng tại hầu hết các vùng chè.

            - Chưa có mô hình liên kết sản xuất hiệu quả.

            - Thiếu lao động tại hầu hết các vùng chè.

II. ĐỀ XUẤT CƠ CẤU GIỐNG VÀ MỘT SỐ KỸ THUẬT CANH TÁC CHO CÂY CHÈ

2.1. Đề xuất cơ cấu giống chè cho các vùng nguyên liệu

Trong những năm qua, công tác chọn tạo giống chè đã được đẩy mạnh tại Viện KHKT nông lâm nghiệp miền  núi phía Bắc, kết quả đã tạo ra được rất nhiều giống chè mới như: LDP1, LDP2, PH1, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, Thúy Ngọc, PT95, Shan chất tiền, Shan tham vè, PH8, PH9, PH10, PH11, PH12, PH14, TRI777, Hương Bắc Sơn, TRI.5.0, LCT1, VN15Ở Lâm Đồng, địa phương đã chọn ra giống LD97, TB11, TB14. Các giống chè mới kể trên là nguồn quan trọng để chúng ta xây dựng cơ cấu giống chè cả nước, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành chè Việt Nam.

Chúng tôi đề xuất cơ cấu giống một số vùng như sau:

+ Tỉnh Thái Nguyên:

            Tỉnh Thái Nguyên là địa phương sản xuất chè lớn nhất cả nước hiện nay (khoảng 25 ngàn ha), với đặc điểm sản xuất chè riêng biệt mà không tỉnh nào có được, các giống chè hiện có của Thái Nguyên đã cơ bản đáp ứng yêu cầu cho sản xuất hiện tại. Sản xuất chè kết hợp giữa nội tiêu và xuất khẩu (nội tiêu là chính); kỹ thuật canh tác tiên tiến thâm canh cao kết hợp tưới nước; thu hái chủ yếu thủ công để tạo nguyên liệu có phẩm cấp tốt; bên cạnh các cơ sở chế biến lớn thì mô hình chế biến nông hộ là đặc trưng của sản xuất chè Thái Nguyên. Đa dạng hóa các sản phẩm chè xanh, phát triển các sản phẩm mới là xu thế tất yếu của sản xuất chè Thái Nguyên, vì vậy các giống chè đề xuất đối với vùng nguyên liệu này là các giống chuyên chế biến chè xanh và chè đặc sản, các sản phẩm mới, chè matcha, chè đinh…các giống như: LDP1, TRI777, LCT1, Hương Bắc Sơn, VN15, Kim Tuyên…với cơ cấu khoảng 80% diện tích, còn lại 20% diện tích để phát triển giống trung du bản địa.

+ Các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc:

            Các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc có địa hình phức tạp, đồi núi đan xen chia cắt, độ dốc từ trung bình đến cao. Từ đặc điểm địa hình này, tạo ra các tiểu vùng khí hậu khác nhau, thích ứng với đa dạng giống chè. Vì vậy, định hướng 60% giống chè chuyên chế biến chè đen và 40% giống chè chuyên chế biến chè xanh và các loại chè khác, cụ thể như sau:

            - Các khu vực có độ cao dưới 500m: Trồng các giống chuyên chế biến chè đen và chè xanh xuất khẩu như: LDP1, LDP2, PH1, PH8, PH11, TRI 5.0…Một số vùng khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên trồng các giống chè chất lượng cao để chế biến chè đặc sản như giống Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Hương Bắc Sơn, VN15, LCT1…

            - Khu vực có độ cao trên 500m: Trồng các giống có thể thích nghi với khí hậu lạnh và phục chế biến chè đặc sản như chè Shan bản địa, Shan Chất Tiền, LP18, PH8, PH12, PH14, Kim Tuyên…

            + Các tỉnh miền Trung:

            Với đặc điểm khí hậu nắng nóng, chịu ảnh hưởng của gió lào, hay có hạn hán kéo dài, nhiệt độ trung bình cao…Vì vậy cần trồng các giống có khả năng chịu hạn và có thể chế biến chè xanh, chè đen xuất khẩu như LDP2, PH8, TRI 5.0. Riêng vùng núi cao như Kỳ Sơn – Nghệ An trồng giống chè Shan tuyết và một số giống có thể thích nghi với khí hậu để chế biến chè đặc sản như: Kim Tuyên, PH12, PH14, LP18. 

            + Các tỉnh Tây Nguyên:

            Các giống chè đã thích nghi và tồn tại nhiều năm tại khu vực này như TB14, LD97, chè Shan cần duy trì diện tích để phục vụ chế biến các loại chè chất lượng trung bình khá để nội tiêu và xuất khẩu. Các giống chất lượng cao như Kim Tuyên, Tứ Quí, Ô long Thanh Tâm, LCT1, Hương Bắc Sơn cũng có thể trồng thử nghiệm tại vùng Tây Nguyên để chế biến chè Ô long, chè xanh chất lượng cao và đa dạng hóa các sản phẩm.

2.2. Giới thiệu một số kỹ thuật canh tác chè thích ứng với BĐKH

2.2.1. Chu kỳ đốn chè giai đoạn kinh doanh trên giống LDP2 và các giống có kiểu hình tương tự

Đối với chè sản xuất kinh doanh: Giống chè LDP2 và các giống có kiểu hình tương tự.

- Giai đoạn 1 (3 năm đầu) năm thứ nhất đốn cách mặt đất 50 - 55cm, (hái lần đầu ở độ cao 15 cm  so với vết đốn). Tiếp theo năm thứ 2  đốn cách mặt đất 55 – 60 cm, năm thứ 3 đốn cách mặt đất 60 - 65 cm (hái lần đầu ở độ cao 10 - 12 cm  so với vết đốn), năm sau đốn cao hơn năm trước là 5 cm.

- Giai đoạn 2 (từ năm thứ 4 đến năm thứ 6), năm đầu của chu kỳ đốn, đốn cao hơn năm đầu của giai đoạn 1 từ 2-3 cm (hái lần đầu ở độ cao 15 cm  so với vết đốn). Năm thứ 2 tiếp theo đốn cao hơn so với năm trước là 5 cm (hái lần đầu ở độ cao 10 - 12 cm  so với vết đốn). Năm thứ 3 tiếp theo đốn cao hơn so với năm trước là 3 cm, (hái lần đầu ở độ cao 10- 12 cm  so với vết đốn).

Đối với những diện tích chè bị chết mất khoảng, già cỗi, năng suất thấp, độ cao tán chè so với mặt đất lớn: Cần áp dụng Quy trình đốn cải tạo cấp cơ sở do Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc mới nghiên cứu ứng dụng thành công để cải tạo và phục hồi.

2.2.2. Áp dụng Kỹ thuật hái chè bằng máy

Các nghiên cứu về kỹ thuật hái chè bằng máy của Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc giai đoạn 2008-2015 đã chỉ ra một số ưu điểm khi áp dụng quy trình hái máy như sau:

- Việc áp dụng máy hái vào thu hoạch nguyên liệu chè có ảnh hưởng rõ rệt tới thời gian giữa hai lứa hái. Đối với hái chè bằng tay thì thời gian giữa 2 lứa hái từ 7-8 ngày đối với lứa chính, đối với lứa phụ từ 7-10 ngày. Thời gian giữa hai lứa hái là khác nhau đối với các giống khác nhau, với giống chè LDP1 trung bình là 39 ngày và giống chè PH1 là 42 ngày.

- Tỷ lệ mù xòe giữa hái tay và hái máy chênh lệnh không đáng kể, không ảnh hưởng đến chất lượng nguyên liệu.

- Thời gian giữa hai lứa hái kéo dài nên đã giảm đáng kể sâu bệnh, giảm khoảng 50% thuốc bảo vệ thực vật và chi phí. Thời gian cách ly kéo dài nên chất lượng nguyên liệu được đảm bảo hơn.

- Mật độ búp tăng gần gấp hai lần so với hái tay đây là yếu tố cấu thành năng suất. Trọng lượng búp, thành phần cơ giới búp thấp hơn nhiều so với hái bằng tay.

- Năng suất hái chè bằng máy tăng lên trên 10% nếu tăng lượng phân bón lên từ 15-30%.

- Chi phí cho khâu chăm sóc, thu hái chè bằng máy chỉ bằng 47,1% so với hái bằng tay.

- Quy trình hái máy áp dụng cho sản xuất chè được giới thiệu như sau:

                                       

Quy trình hái chè bằng máy được Bộ NN&PTNT công nhận là TBKT theo Quyết định số 1310/QĐ-BNN-TT, ngày 16/6/2014, cơ quan tác giả: Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc.

2.2.3. Tủ gốc, trồng xen và trồng cây che bóng cho chè

2.2.3.1. Tủ gốc cho chè

            Tủ gốc cho chè phổ biến là dùng xác thực vật, bằng tế guột, rơm rạ, thân cây ngô…Tùy từng vùng có điều kiện thuận lợi loại vật liệu nào thì sử dụng loại ấy. Lượng tủ thường 20-30 tấn/ha , tủ dày khoảng 10 cm với chu kỳ 3-4 năm tủ 1 lần

2.2.3.2. Trồng xen

- Cây trồng xen là các loại cây có khả năng cải tạo đất, làm phân bón tăng chất dinh dưỡng cho cây chè, tốt nhất là các cây họ đậu, cây cốt khí…

- Thời vụ gieo: Từ tháng 1 - 4 hàng năm, ngay sau khi làm đất, trồng chè.

- Cách gieo: Cây hàng năm gieo giữa hàng, mật độ tuỳ theo loại cây, cách gốc chè ít nhất 40 cm về mỗi bên. Cây phân xanh lưu niên 2 - 4 năm (các loại muồng, cốt khí) kiêm che bóng tạm được gieo theo cụm một đường giữa hai hàng chè, khoảng cách tâm cụm 30 - 40 cm, mỗi cụm đường kính 3 - 5 cm.

2.2.3.3. Trồng cây che bóng

- Phân ra 3 tầng cây che bóng: Cây che bóng tầng thấp, cây cao khoảng 10 m trở lại, phổ biến được dùng cho chè là cây keo lá chàm (Indigofera Zollingeriana); cây che bóng tầng trung, tán cao từ 10-25 m, phổ biến được dùng cho chè là cây muồng đen (Cassia siamea), một số nơi trồng cây xoan ta, một số nơi điều kiện phù hợp có thể trồng cây mắc ca, bơ..; cây che bóng tầng cao, cây cao trên 25 m, thường dùng cho chè là một số loại cây lâm nghiệp.

- Mật độ trồng: Đối với cây che bóng tầng thấp, trồng mật độ 200-250 cây ha, cứ 7-8 hàng chè trồng 1 hàng cây che bóng; cây che bóng tầng trung, mật độ 80-100 cây/ha (trồng ở đường lô); cây che bóng tầng cao, trồng mật độ 30-50 cây/ha (trổng ở đỉnh đồi, khu cắt nhau của các con đường trong khu chè).

2.2.4. Tưới chè

Tiến hành tưới cho chè khi độ ẩm đất dưới 60% sức chứa ẩm đồng ruộng. Xác định độ ẩm đất bằng máy đo nhanh – SOIL, PH & MOISTURE TESTER. MODEL.DM-15.

- Chế độ tưới:

+ Thời gian tưới từ tháng 2 đến hết tháng 4, với lượng nước tưới 200 đến 250 m3/ha/lần tưới, khoảng cách giữa 2 lần tưới từ 10 đến 12 ngày.

+Thời gian tưới vào tháng 10, với lượng nước tưới 200 đến 250 m3/ha/lần tưới, khoảng cách giữa 2 lần tưới từ 12 đến 15 ngày.

+ Bảng tổng hợp chế độ tưới cho cây chè:

+ Với vùng chè sản xuất trái vụ, thời gian tưới từ tháng 11 đến tháng 3 với lượng nước tưới 200-250m3/ha; khoảng cách giữa các lần tưới là 12-15 ngày.

- Kỹ thuật tưới:

+ Xây dựng hệ thống tưới phun mưa cho cây chè là phù hợp, kỹ thuật tưới phun mưa tiết kiệm nước hơn tưới rãnh truyền thống.

+ Cấu tạo hệ thống tưới phun mưa là bán di động, theo đó có đặc điểm riêng là ống cấp cuối cùng và vòi phun được lắp đặt trên nó có thể tháo ra và lắp lại trong thời gian cần tưới tránh được sự mất mát.

+ Dựa trên nhu cầu sử dụng nước và yêu cầu chất lượng nguồn nước, chọn biện pháp xử lý lọc nước phù hợp để đạt tiêu chuẩn.

          •  

+ Xây dựng các bể nước trên cao, tạo nguồn nước bằng các giếng khoan, giếng đào, sử dụng phương pháp tưới tràn mặt rãnh chè đối với các vườn chè thuận lợi gần nguồn nước.

                                                                                     Phú Thọ, ngày 12 tháng 5 năm 2021