Access counter
  • Online:
  • Today:
  • This month:
  • Total:

LỤC VŨ TÁC GIẢ CUỐN TRÀ KINH TRUNG HOA

Monday, 27/04/2020, 09:15 GMT+7

LỤC VŨ TÁC GIẢ CUỐN TRÀ KINH TRUNG HOA

ĐỖ NGỌC QUỸ

Lục Vũ (728 - 804) tự Lục Hồng Tiệm, một danh y Đời Nhà Đường, là người huyện Thiên Môn, tỉnh Hồ Bắc. Thời niên thiếu ông sống trong một nhà chùa Phật giáo. Dưới thời trị vì của Hoàng đế Lý Long Chi, hay Đường Minh Hoàng (712 - 755), đã phát hiện ra tài năng của Lục Vũ ở tỉnh Long Trưởng, sinh quán của ông, nên đã giúp cho ông vào trường học. Ông là người thực sự có tài, học hành chăm chỉ và được xã hội biết tiếng rất nhanh, nên được bổ nhiệm dạy học Hoàng Thái tử.

Sau lại được tiến cử vào làm việc cho Thượng thư Bộ Lễ, nhưng ông không nhận. Lục Vũ từ chối con đường quan chức, và sống cuộc đời của một nhà văn hoá, thích học tập, nghiên cứu và giao tiếp với giới trí thức và văn nhân. Ông rất thích nghiên cứu thực tiễn cây chè một cách bền bỉ không mệt mỏi, nên rất thành thạo về gieo trồng, chọn giống chè, chế biến và thưởng thức trà.

Tượng Lục Vũ - tại quê hương Thiên Môn, Hồ Bắc

A/ Năm 760, Lục Vũ sống ẩn dật ở Thiệu Khê, Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang đã biên soạn cuốn “Trà kinh” chuyên khảo đầu tiên về chè trên thế giới. Đây là cuốn Bách khoa toàn thư chè lâu đời nhất từ Đời Nhà Đường Trung Hoa có ảnh hưởng sâu xa, rộng lớn đến các thế hệ đời sau. Hiện nay, tại quê hương Lục Vũ đã xây dựng một nhà bảo tàng kỷ niệm Lục Vũ, ghi nhận biết ơn người đã có cống hiến lớn cho văn hoá và lịch sử trà Trung Hoa. Ngoài ra còn dựng một tượng Lục Vũ tại quê hương Thiên Môn.

Cuốn sách chia thành 10 mục:

(1)   Nhất chi nguyên, nói về nguồn gốc cây chè, ảnh hưởng của điều kiện thiên nhiên đến chất lượng trà, công dụng của trà đối với sinh lý con người.

(2)   Nhị chi cụ, nói về 15 công cụ hái chè, chế biến trà.

(3)   Tam chi tạo, nói về yêu cầu búp chè đối với các loại trà thành phẩm khác nhau và yêu cầu của chế biến trà.

(4)   Tứ chi khí, giới thiệu 25 dụng cụ pha (nấu) và uống trà.

(5)   Ngũ chi chủ, bàn về pha (nấu) trà và các tiêu chuẩn phẩm chất.

(6)   Lục chi ẩm, nói về uống trà và pha trà cửu đạo trà gồm 9 chữ.

(7)   Thất chi sử, ghi chép các danh nhân yêu thích trà và các câu chuyện về trà, lịch sử cây chè, đồng thời còn giới thiệu về công dụng chữa bệnh của trà.

(8)   Bát chi xuất, nói về các vùng chè, phân bố và sản xuất của các vùng chè Đời Nhà Đường, bình luận về chất lượng trà của các vùng.

(9)   Cửu chi lược, nói về khả năng đơn giản hoá một số khâu trong chế biến, phân loại trà trong một số điều kiện đặc thù, tại các chùa ở những vùng sâu xa, trên núi cao.

(10)     Thập chi đồ, nói về các tranh vẽ về cây chè, treo tường hay trưng bày trong nhà, để khỏi bị lãng quên.

B/ Cách pha và uống trà cổ điển 9 chữ của Trung Hoa đời Nhà Đường

Lục Vũ đã viết cách uống trà gọi là “ cửu đạo trà “, bao gồm 9 chữ : phẩm, ôn, đầu, trúng, mân, phục, chân, kính, ẩm làm quy tắc cho cách uống trà ngày nay trên toàn thế giới.

1)      Phẩm – đánh giá phẩm chất trà bằng ngoại hình trà khô.

2)      Ôn – dùng nước sôi rửa sạch sẽ ấm chén pha trà, để tăng nhiệt độ nhằm chiết xuất tối đa các thành phần hữu hiệu của trà.

3)      Đầu – bốc một lượng trà thích đáng vào trong ấm, không quá nhiều hay quá ít, căn cứ vào loại trà và sở thích của khách uông trà.

4)      Trúng – pha nước sôi ít một, không đổ đầy ngay cả ấm một lần.

5)      Mân – hãm nước sôi đậy nắp kín, 1 – 2’ để cho cánh trà nở ra.

6)      Phục – lại tiếp tục pha nước sôi đầy ấm, để chiết xuất tối đa các thành phần hữu hiệu.

7)      Chân – rót nước trà trong ấm pha vào chén uống trà.

8)      Kính – dâng chén trà một cách kính cẩn mời khách uống.

9)      Ẩm – vừa uống vừa thưởng thức hương vị, vừa đánh giá hương vị thơm ngon.

Hà Nội, 01 tháng 10 năm 2010

Trích nguồn: vitesta.com