Xuất khẩu chè Việt Nam 2024: Tăng trưởng ấn tượng và hướng đi bền vững
Thursday, 12/09/2024, 14:07 GMT+7
Xuất khẩu chè Việt Nam 2024: Tăng trưởng ấn tượng và hướng đi bền vững
11/09/2024
Xuất khẩu 'vàng xanh' của Việt Nam nửa đầu năm 2024 ước đạt 61 nghìn tấn, trị giá 108 triệu USD, tăng 26,7% về lượng và tăng 32,1% về trị giá so với cùng kỳ.
Trong nửa đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 61 nghìn tấn chè, đạt giá trị 108 triệu USD, tăng 26,7% về lượng và 32,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm chè của Việt Nam đã có mặt tại 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, về sản lượng và xuất khẩu chè xanh.
Về thị trường, Pakistan là quốc gia nhập khẩu chè Việt Nam lớn nhất. Chè, được ví như "vàng xanh" của Việt Nam, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế. Các sản phẩm từ cây chè Việt Nam ngày càng đa dạng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Hiện nay, Việt Nam có hơn 30 giống chè được đưa vào sản xuất cho năng suất và chất lượng tốt và sản xuất nhiều loại sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường như chè xanh sợi, chè xanh viên, chè xanh bột, chè ô long, chè đen OTD, chè đen CTC và các sản phẩm từ chè shan tuyết .
Xuất khẩu chè Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 tăng trưởng ấn tượng. Ảnh minh họa
Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt khoảng 15 nghìn tấn, trị giá 32 triệu USD, tăng 58% về lượng và 106,9% về giá trị so với tháng 5/2024; tăng 54,9% về lượng và 86,4% về giá trị so với tháng 6/2023. Giá bình quân xuất khẩu chè trong tháng 6/2024 ước đạt 2.127,8 USD/tấn, tăng 20,3% so với tháng 6/2023.
Tổng kết nửa đầu năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam ước đạt 61 nghìn tấn, trị giá 108 triệu USD, tăng 26,7% về lượng và 32,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân xuất khẩu chè ước đạt 1.759,9 USD/tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hai chủng loại chè chính của Việt Nam đều có sự tăng trưởng tích cực. Chè xanh dẫn đầu với 23,5 nghìn tấn, trị giá 44,6 triệu USD, tăng 45,5% về lượng và 43,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Chè đen theo sau với 20,7 nghìn tấn, trị giá 26,6 triệu USD, tăng 15,6% về lượng và 8,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá bình quân xuất khẩu của từng loại đều có xu hướng giảm nhẹ.
Xuất khẩu chè ướp hoa giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2024, chỉ đạt 741 tấn, trị giá 1,5 triệu USD, giảm 31,3% về lượng và 31,4% về trị giá. Xuất khẩu chè ô long đạt 319 tấn, trị giá 1,1 triệu USD, giảm 22,6% về lượng nhưng lại tăng 8,7% về trị giá. Giá bình quân xuất khẩu chè ướp hoa là 1.985,9 USD/tấn, giảm 0,1%, trong khi giá chè ô long đạt 3.530,7 USD/tấn, tăng 40,4%.
Xuất khẩu chè tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2024
Lượng : 17.000 tấn , giá trị: 27 triệu đô la Mỹ
7 tháng : lượng : 78.000 tấn; giá trị : 135 triệu đô la Mỹ
Tăng lần lượt 32,7% về lượng và 34,8% về giá trị so cùng kỳ
Giá bình quân: 1.731 USD/ tấn
Tại Việt Nam, cây chè chủ yếu được trồng ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, chiếm khoảng 74% diện tích trồng chè cả nước. Vùng Tây Nguyên chiếm khoảng 12%, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung chiếm 10%, và khu vực Đồng bằng Bắc Bộ chiếm 4%. Một số địa phương có diện tích chè lớn bao gồm Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ,... Các vùng trồng chè tại Việt Nam đã không ngừng đổi mới sản xuất sản phẩm chè theo hướng an toàn hữu cơ, góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời hướng tới nền nông nghiệp xanh và phát triển bền vững.
Với những thành tựu ấn tượng trong 7 tháng đầu năm 2024, ngành chè Việt Nam không chỉ khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế mà còn chứng tỏ tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Việc xuất khẩu tăng trưởng đều đặn, đa dạng hóa sản phẩm, và chú trọng vào chất lượng là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực không ngừng của các nhà sản xuất và người nông dân. Định hướng phát triển chè an toàn chất lượng và bền vững cũng là một bước đi quan trọng, đảm bảo cho ngành chè Việt Nam không chỉ bảo vệ sức khỏe con người mà còn góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại và thân thiện với thiên nhiên. Với những chiến lược đúng đắn, sự đoàn kết , nỗ lực của các doanh nghiệp, người dân trồng chè và sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, ngành chè Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển vững chắc, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế và uy tín của quốc gia trên trường quốc tế.
(Ban biên tập - Tác giả : Hoàng Long)